(Môi trường Sống khỏe) – Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đang tạm giữ hình sự người bố trong vụ bé gái 6 tuổi tử vong bất thường hôm 16/9 để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về sự việc đáng tiếc này.

* Bà có thể đưa ra nhận định lý giải về tâm lý của người cha khi đánh con gái mình dẫn đến tử vong đau lòng như vậy không?
– Bà Ninh Thị Hồng: Đây là sự việc đau lòng và vô cùng đáng tiếc. Bé gái mới 6 tuổi, chưa được khai giảng, chưa được đến trường học tập, vui đùa cùng thầy cô, bè bạn. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, trẻ em bị tổn thương nhiều và có nguy cơ bị bạo lực thể xác và tinh thần từ chính các thành viên trong gia đình. Khi bố mẹ căng thẳng trong thời gian dài dễ dẫn đến tê liệt về mặt nhận thức và mất kiểm soát hành vi của mình. Điều này khiến không ít trẻ đang mất an toàn ngay trong tổ ấm của mình
* Với tư cách là bậc làm cha mẹ, theo bà cần có những kỹ năng gì để có thể có cách ứng xử tốt nhất giữa cha mẹ và con cái?
– Bà Ninh Thị Hồng: Mỗi bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý khi có con. Phải xác định đó là cả một chặng đường kiên trì, vất vả chứ không phải chuyện ngày một ngày hai. Chưa kể có những cháu thông minh, có cháu nói trước quên sau, có cháu rụt dè nên nhận thức cũng khác nhau. Điều này đặt ra cả bố và mẹ phải có cách ứng xử phù hợp khi dạy con cái.
Cha mẹ cũng phải biết được những kiến thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, để đầu tiên chăm sóc cho bản thân và sau đó là chăm sóc cho con cho tốt.
* Thời gian gần đây khi thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thêm cả việc trẻ em không được đến trường, rồi cha mẹ không đi làm, thời gian ở nhà nhiều hơn điều này khiến cho cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn gây ảnh hưởng đến tâm lý. Bà có lời khuyên nào trước thực tế này không?
– Bà Ninh Thị Hồng: Có thể khi các em học tập ở nhà sẽ xảy ra các xung đột trong gia đình. Nên các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm, chăm lo và có hình thức hướng dẫn, hỗ trợ con mình học tập, vui chơi một cách phù hợp, không tạo áp lực cho các em. Đặc biệt khi phụ huynh đứng trước hành vi sai của con thì phải ứng xử cho phù hợp, có thể làm gì đó để xao nhãng tâm lý chứ không phải đánh đập, mắng mỏ con nhằm giải toả bực bội. Nếu không kiểm soát được sự giận dữ – “điểm sôi cảm xúc”, không ít phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nỗi ân hận theo suốt cả cuộc đời.
Liên quan đến vụ việc bé gái 6 tuổi tử vong, nghi bị bạo hành, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã có văn bản gửi đến Công an quận Bắc Từ Liêm.
Theo đó, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng trẻ em, gây dư luận xấu trong xã hội.
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội kính đề nghị cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm khẩn trương thực hiện biện pháp điều tra làm rõ vụ việc, xử lý kịp thời vụ việc theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ bé gái 6 tuổi ở P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tử vong nghi bị bạo hành, ngày 17.9, Công an Q.Bắc Từ Liêm đã tạm giữ hình sự bố nạn nhân để điều tra nguyên nhân.
Theo báo cáo của UBND Q.Bắc Từ Liêm, trong giờ học trực tuyến tối 16.9, thấy cháu L.H.A (6 tuổi, học lớp 1 Trường tiểu học Xuân Đỉnh, P.Xuân Đỉnh) không vào học, cô giáo đã liên hệ cho gia đình thì được biết cháu đã tử vong.
Báo cáo cũng thể hiện, khoảng 11 giờ ngày 16.9, ông L.T.C (43 tuổi, bố bé L.H.A) có đánh con. Sau đó, khoảng 16 giờ cùng ngày, mẹ cháu A. cho con ăn một bát cháo và uống một viên Paradol thì cháu bị nôn nhiều nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu.
Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thì các bác sĩ xác định cháu đã tử vong trước khi đưa vào cấp cứu, trên người có dấu hiệu bị bạo hành. Bệnh viện sau đó đã báo cơ quan công an. Hiện Công an Q.Bắc Từ Liêm đã bắt giữ nghi phạm, là bố đẻ của nạn nhân.
Bước đầu, người này khai nhận khoảng 11 giờ ngày 16.9 đã đánh con.